• Mua hàng: 0949 577 303
  • Luật Board Game
  • 0 sản phẩm
ONE NIGHT - LẪN TRỐN LÀ MỘT CHIẾN LƯỢC

Cho dù bạn không phải là một người chơi board game (cờ bàn) thì vẫn có khả năng bạn đã từng thử qua Werewolf (Ma sói) hoặc Mafia, một trò chơi được chơi trong nhóm lớn và nặng về mảng “tâm lý chiến”. Ý tưởng cơ bản của game đó là mỗi 1 vai trò đều được phân chia ngẫu nhiên (và bí mật). Mỗi “đêm” trong game – khi mà tất cả người chơi nhắm mắt – những con ma sói tỉnh dậy và chọn cho chúng 1 nạn nhân. Vào “ngày”, tất cả người chơi sẽ cùng nhau thảo luận và bỏ phiếu treo cổ 1 ai đó, hy vọng trúng vào ma sói.  Ma sói có mục tiêu là tiêu diệt 1 số lượng dân nhất định trong khi dân làng thì tìm cách xóa sổ toàn bộ ma sói. Có vô vàn các biến thể của trò chơi này, 1 vài trong số đó giới thiệu thêm nhân vật với năng lực mới nhưng hầu hết chỉ dừng ở mức đó.

Ma sói là 1 trò chơi hết sức nổi tiếng và sẽ chỉ là bình thường nếu bạn bắt gặp người ta chơi nó ở các hội quán vì nó cho phép 1 lượng lớn người chơi, chẳng cần nhiều linh kiện linh tinh ngoài 1 bộ bài hoặc vài mảnh giấy chưa kể là còn rất hào hứng nữa là – với điều kiện là bạn không bị loại sớm. Đây, điều gây nhột nhất game: bị loại. Ma sói vui khi có đông người nhưng nó khiến game diễn ra lâu hơn và nếu bạn xui xẻo thay bị loại (vì bị cắn hoặc treo cổ vô tội vạ đi chăng nữa) thì công bằng mà nói nó giống như là bạn không được chơi vậy.

Và đó chính là cơ hội tỏa sáng của One Night Ultimate Werewolf. Phát triển và bán bởi Bezier Games, trò chơi là 1 biến chuyển hấp dẫn cho 1 game vốn chạy theo việc tiêu diệt người chơi. Đúng như tên gọi One Night của nó, game chỉ diễn ra qua 1 đêm duy nhất cho mỗi lượt chơi và đi kèm với nó là các nhân vật có chức năng đến từ Werewolf Ultimate.

Nhìn sơ qua: One Night dành cho từ 3 đến 10 người, khuyến cáo từ 8 tuổi trở lên và dài khoảng 10 phút. Nếu bạn tính chơi với con nít thì nên biết rằng hình vẽ trong card không hẳn là đáng quan ngại về độ tuổi nhưng nhớ rằng game vẫn là về ma sói ăn thịt và việc treo cổ. Ngoài ra còn có Tanner (Thợ thuộc da) chán đời suốt ngày chỉ mong được chết và Drunk (bợm rượu) không biết cả vai trò của mình – thế nên nếu mà chơi với con nít lớp 3 thì ráng mà giải thích cho chúng biết. Giá bán lẻ là $24.99.


Cấu thành game:

Cấu kiện trong game vô cùng đơn giản: 16 lá bài nhân vật, 16 dấu hiệu nhân vật. Các lá bài thực chất là những miếng cardboard được cắt hình dạnh bài nên cầm rất chắc tay. Các dấu hiệu đều là những miếng cardboard được đục ra, hơi bự hơn đồng xu 1 tí với cùng 1 hình vẽ nhân vật. Một vài con dấu được đánh số thể hiện thứ tự hành động vào “đêm” của chúng. Tất cả các con dấu đều là 2 mặt với 1 bên hình sáng và 1 bên nhạt màu hơn.


Các hình vẽ của họa sĩ Gus Batts đều tuyệt vời với phong cách như 1 bộ phim hoạt hình hay 1 cuốn truyện tranh. Hộp game tương đối lớn hơn so với mức cần thiết để cất toàn bộ cấu kiện và nắp hộp của tôi (người đánh giá) thì có vẻ hơi bị khó mở nhưng toàn hộp rất cứng cáp.

Cách chơi:

Mục tiêu của dân làng trong game là treo cổ được ít nhất 1 con ma sói trong khi ma sói phải tìm cách giữ mạng cho mình và đồng đội. Có 1 vài nhân vật với mục tiêu khác nhưng tôi sẽ đề cập đến sau…

Chuẩn bị game

Khi chuẩn bị, bạn sẽ lấy ra 1 số lượng bài nhân vật – có thể chọn ngẫu nhiên hoặc sắp xếp để cán cân nghiêng về 1 phe. Bình thường bạn sẽ có 2 lá ma sói trong bàn chơi nhưng có thể tinh chỉnh tùy ý, ví dụ như bạn trộn cả chồng bài lên và chia mỗi người 1 là mà không cần biết là sẽ có gì trong game. Sau khi các người chơi đã có và bí mật xem bài của mình, sẽ phải có thêm 3 lá dư úp mặt ở giữa bàn chơi (nên biết rằng khả năng có 2 con sói ở 3 lá ở giữa hoàn toàn có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc không ai là sói cả).

Đêm xuống

Trong “đêm”, những vai trò sẽ lần lượt được gọi dậy để làm chức năng. Một người chơi có thể kiêm luôn vai trò thông báo các chức năng và canh thời gian cho bọn họ hoặc các bạn có thể sử dụng phần mềm đi kèm cho điện thoại (iOS và Android). Tốt nhất là nên có 1 ai đó tạo 1 vài tiếng ồn ở giai đoạn này để không ai có thể nghe thấy âm thay bài bị cầm lên và di chuyển.

Ban ngày

Sau khi tất cả các vai trò đã thực hiện chức năng liên quan, tất cả người chơi mở mắt tỉnh giấc. Các bạn nên dành thời gian ban ngày bàn luận xem ai là người đáng nghi là ma sói nhất. Người chơi có thể nói bất cứ điều gì họ muốn cũng như được phép sử dụng các con dấu nhân vật để theo dõi nhưng dưới mọi tình huống không được mở bài cho người khác coi. Thậm chí bản thân người chơi còn không được quyền coi lại bài của mình – vì có thể nó đã bị tráo trong “đêm”.

Sau vài phút nói chuyện, người chơi bắt đầu bỏ phiếu. Khi đếm đến 3, tất cả phải đồng loạt chỉ vào 1 người chơi khác. Người bị nhiều phiếu nhất sẽ bị treo và lật bài. Nếu có hòa, những đối tượng hòa số phiếu nhiều nhất đều bị treo, ngoại trừ trường hợp mỗi người chỉ bị 1 phiếu. Cụ thể là nếu cả bàn chơi thống nhất rằng không có ma sói trong làng (nằm trong 3 lá dư) thì các bạn có thể đồng nhất chỉ vào người bên phải của mình để đảm bảo không ai bị treo.

Kết thúc game

Dân làng thắng khi ít nhất có 1 ma sói bị treo. Kể cả khi có những dân khác bị treo chung với ma sói thì họ vẫn thắng cùng với phe. Nếu không có ai là ma sói và không ai bị treo, mọi người cùng thắng (tất nhiên là nếu không có ai là soi mà dân làng bị treo thì tất cả đều thua). Phe ma sói chỉ thắng khi có ít nhất 1 ma sói trong làng và tất cả phải còn sống khi kết game. Có 1 vài nhân vật với điều kiện thắng khác, tôi sẽ giải thích dưới đây.

Các vai trò và chức năng cụ thể (nếu có):

  1. Doppelganger (Nhân bản): Nhân vật này thức dậy đầu tiên nhưng cũng là nhân vật phức tạp nhất. Nhân bản xem bài của 1 người chơi khác và bắt chước tính năng của lá đó. Thành thực thì tôi khuyên mọi người nên chơi rành hết các chức năng khác rồi mới thử qua nhân vật Nhân bản.
  2. Werewolves (Ma sói): Ma sói mở mắt trong đêm để xem mặt đồng bọn. Nếu chỉ có 1 ma sói thì nó có quyền coi 1 lá bài trong 3 lá dư.
  3. Minion (Tay sai/Phản bội): Phản bội sẽ thuộc về phe sói và có thể biết được ai là sói vào ban đêm nhưng sói không biết phản bội là ai (sói giơ tay ra hiệu khi nhắm mắt). Nếu Phản bội bị treo nhưng không có con sói nào chết thì cả sói và Phản bội thắng.
  4. Masons (Nhà giàu/Siêu dân): Sẽ có 2 Siêu dân trong làng và buổi tối họ mở mắt để biết nhau.
  5. Seer (Tiên tri): Xem bài của 1 người chơi khác HOẶC 2 trong 3 lá dư.
  6. Robber (Cướp): Đổi bài của mình với bài của người khác VÀ được xem lá bài lấy. Cướp sau đó sẽ nhập phe với bất cứ phe nào của lá bài mà họ lấy (nhưng không thực hiện chức năng đêm) trong khi người có lá Cướp giờ đây sẽ trở thành phe dân.
  7. Troublemaker (Gây rối): Đổi bài của 2 người chơi khác bản thân, KHÔNG được nhìn. Hai người bị đổi sẽ bị đổi phe tương ứng với bài mà không hề hay biết.
  8. Drunk (Bợm rượu): Đổi bài của bản thân lấy 1 lá bất kì trong 3 lá dư mà KHÔNG được nhìn lá đó. Bợm giờ đây có phe của lá mới mà không thể biết được là gì.
  9. Insomniac (Mất ngủ): Được quyền coi lại bài của mình lần cuối trước khi trời sáng để xem có bị thay đổi hay không.

Cuối cùng, có 3 nhân vật không làm gì vào ban đêm. Ba Villager (Dân làng) không có tính năng đặc biệt. Tanner (Thợ thuộc da/Chán đời) thì “chán nghề” nên chỉ mong bị treo, nhân tiện để thắng game 1 mình. Hunter (Thợ săn) có 1 phát súng cuối cùng – khi chết, Thợ săn được chỉ 1 người khác và kéo người đó chết theo không kể số phiếu bầu.

Nhận xét cuối

Tôi đã chơi Ma sói truyền thống trước nhưng thật sự chưa bao giờ thấy thích thú với việc loại bỏ người chơi. Vào đầu game chúng ta bị bắt phải treo người khi chưa có bao nhiêu thông tin, khiến họ chỉ có thể ngồi chơi xơi nước. Đây chính là lý do chính tại sao những trò chơi như The Resistance trở nên nổi tiếng – chính là ở việc đem lại cái hồn của việc “thông não” mà không đá người chơi ra khỏi game.

 One Night Ultimate Werewolf cũng gãi đúng chỗ ngứa như vậy đối với tôi. Bạn giờ có thể chơi đùa thoải mái với các biện pháp suy luận và thuyết phục rồi khi kết thúc ván chơi bạn lại có thể chơi tiếp. Thật ra mà nói, game có vẻ mất đi 1 phần hấp dẫn của cách chơi truyền thống khi mà qua mỗi đêm, áp lực lại càng gia tăng khi mọi người lo sợ không biết ai là nạn nhân tiếp theo. Tuy nhiên việc không có ai phải bị loại đã bù đắp được chuyện đó. Thiết kế game Ted Alspach và Akihisa Okui có thể nói là đã thành công trong việc xây dựng cơ chế trò chơi đồng thời với các chức năng chỉ cần hoạt động trong 1 đêm.


Tuy nhiên, bạn vẫn cần 1 nhóm chơi thích hợp. Một vài người không hẳn thoải mái (hoặc giỏi) trong việc nói dối, lỡ nếu như bọn họ vô tình là sói thì sẽ không biết biến tấu như thế nào và khiến trò chơi trở nên dễ dàng. Ở mức độ nào đó mà nói thì những kiểu người chơi thích đi ép cung vô tội vạ lại có khả năng thể hiện tốt hơn so với những người trung thực quá mức. Ngoài ra tôi còn phải “dìm hàng” trò này khi chơi với con nít bởi chúng ta có thể vô hình chung luyện cho chúng cách nói xạo tốt hơn.

Nói chung, nếu bạn thích ý tưởng của Ma sói và cũng như tôi, ghét nhìn người chơi bị đẩy ra lề thì hãy thử One Night Ultimate Werewolf. Trò chơi thích hợp cho các nhóm chơi nhiều kích cỡ giải trí giữa những ván game khác.

Bạn cảm thấy hứng thú chứ? Hãy ấn vào đây và đặt mua game ngay nào!

Tìm hiểu thêm hướng dẫn chơi game Ma sói một đêm tại Đây

[ Thế Giới Board Game ]


Để lại bình luận

Lưu ý: Các bình luận chỉ hiển thị khi đã duyệt

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên