• Mua hàng: 0949 577 303
  • Luật Board Game
  • 0 sản phẩm
COUP - MỘT SỐ ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

Vào năm 2012 bất ngờ xuất hiện 1 card game đơn giản tên gọi Love Letter. Chính thành quả và số lượng giải thưởng mà Love Letter gặt hái được đã trở thành hạt nhân cho sự bùng phát của thể loại game nhanh-nhỏ-gọn. Kể từ đó, chúng tôi (nhóm đánh giá) đã tận tay chơi qua một số tên tuổi nổi bật trong thể loại này và hôm nay sẽ cùng điểm qua một trò chơi về sự suy tính và lươn lẹo – Coup.

Được lần đầu bán vào 2012 bởi La Mame Games, trò chơi chỉ thực sự bước vào ánh hào quang sau khi chiến dịch vận động $160,000 trên trang Kickstarter bởi Indie Boards and Cards. Có chung bối cảnh với thế giới trong game The Resistance, Coup khiến cho người chơi đối đầu với nhau bằng nhiều thủ đoạn như lừa phỉnh, hối lộ và sai khiến. Liệu Coup có thực sự là một điểm cộng đáng nhớ cho dòng game siêu nhỏ không hay chỉ là một “chiêu trò”, hãy cùng xem qua!

Trò chơi dành cho từ 2 tới 6 người, hấp dẫn nhất khi có 4 hoặc 5 người chơi và mỗi ván chơi dài khoảng 10 tới 15 phút.

Tổng quát về game:

Trong Coup, bạn sẽ muốn trở thành người chơi cuối cùng tồn tại trong vòng chơi. Mỗi người sẽ bắt đầu chơi với 2 đơn vị “quyền lực” thể hiện bằng 2 lá bài nhân vật bị úp. Mỗi vòng, lần lượt mỗi người chơi sẽ chọn hành động cho mình từ 1 danh sách định sẵn hoặc hành động tương ứng của các nhân vật. Điều then chốt ở trò chơi chính là người chơi có thể nói dối về nhân vật họ sở hữu. Tất nhiên nói dối mà bị bắt thì sẽ phải chịu phạt mất một “quyền lực” và nếu nói thật thì người buộc tội là kẻ phải hứng chịu hình phạt đó. Một người chơi mất cả 2 nhân vật của mình thì coi như thua trong vòng chơi. Ghi nhớ, chỉ duy nhất một người tồn tại cuối cùng mới trở thành người thắng cuộc.

Cấu thành game:

Trái ngược với vẻ ngoài nhỏ nhắn của hộp đựng game, cấu kiện của Coup có thể thực sự coi là chất lượng cao. Ở phiên bản bán lẻ (phiên bản góp vốn Kickstarter sẽ được đề cập sau), người mua sở hữu 1 bộ bài 15 lá nhân vật được phác họa theo đúng phong cách của game trước đó của hãng là The Resistance. Việc được vẽ chung 1 phong cách khi được đặt chung một bối cảnh rất ư là hợp lý. Tuy vậy, chiều sâu của chủ đề trong Coup chỉ là màn dạo đầu vui vẻ nên đừng kì vọng nhiều.

Tiếp tục, người chơi sẽ có 6 tấm hỗ trợ cơ bản. Bởi vì đây là trò chơi về sự lừa gạt nên có được thông tin về năng lực nhân vật ngay trên tay của mình là vô cùng có ích. Chẳng ai muốn chơi nói dối mà lại suốt ngày đi hỏi người khác tính năng của nhân vật mà mình không có cả.

Cuối cùng, bộ chơi còn có 50 đồng xu dùng để thực hiện hành động coup (lật đổ) trong game. Phiên bản Kickstarter được ưu ái cho sử dụng những đồng tiền kim loại, nhìn khá “bá đạo”. Người đánh giá chỉ gặp 1 vấn đề đó là những đồng xu này không thực sự vừa vặn trong hộp sau khi được đục ra khỏi khay, hy vọng các phiên bản bán lẻ sẽ không có vấn đề này.

 

 

Cách chơi:

Cũng như nhiều trò chơi nhanh-nhỏ-gọn khác, luật chơi của Coup rất dễ học. Mỗi người chơi khởi đầu bằng 2 lá nhân vật (úp mặt) và 2 xu. Trong bộ bài sẽ có tổng cộng 15 lá với 3 lá cho mỗi nhân vật sở hữu các khả năng khác nhau như sau:

+ Ambassador/Đại sứ: Rút 2 nhân vật từ chồng bài sau đó chọn và giữ lại 2 trong 4 lá nhân vật đang có trên tay, trả lại 2 lá vào chồng bài. Ngoài ra còn có khả năng chống cướp tiền.

+ Assassin/Sát thủ: Trả 3 xu để ám sát 1 nhân vật của người chơi khác.

+ Contessa/Nữ hầu tước: Chặn ám sát từ người chơi khác.

+ Captain/Đại tá: Cướp 2 xu của 1 người chơi khác hoặc chặn cướp tiền.

+ Duke/Công tước: Lấy 3 xu từ kho bạc và chặn hành động “Viện trợ quốc tế” của người chơi khác.

Ngoài các hành động của từng nhân vật, tất cả người chơi đều còn khả năng làm:

+ Income/Thu nhập: Lấy 1 xu từ kho bạc.

+ Foreign Aid/Viện trợ quốc tế: Lấy 2 xu từ kho bạc (có thể bị chặn bởi Duke).

+ Coup/Lật đổ: Trả 7 xu vô kho bạc để tiêu diệt một nhân vật của người chơi khác. (Nếu đầu lượt bạn có 10 xu thì bắt buộc phải coup).

Vào lượt của bản thân, người chơi chọn 1 trong những hành động trên và người chơi tiếp theo sẽ làm tương tự. Khía cạnh lừa gạt nhau đến từ việc người chơi có thể nói dối về nhân vật mà họ không có để thực hiện hành động đó. Bạn CÓ THỂ nói dối. Ví dụ như việc tôi hoàn toàn có thể dùng hành động của nhân vật Duke dù chỉ sở hữu Captain và Assassin. Tuy nhiên, cũng có rủi ro khi bị người chơi khác buộc tội đó là người bị buộc tội phải lật mặt một nhân vật để chứng minh hành động của mình. Nếu như không có được nhân vật phù hợp thì coi như bạn đã mất 1 nhân vật (chọn 1 lá nhân vật để lật mặt lên và mất luôn lá đó).

Ngược lại, nếu bạn có nhân vật đó và lật lên thì chính kẻ buộc tội phải chịu mất 1 nhân vật. Nhân vật lật mặt để minh oan thành công được đổi bằng 1 lá nhân vật khác ở trong chồng bài (nhớ trộn bài).

Game tiếp tục cho tới khi chỉ còn lại 1 người chơi sở hữu ít nhất 1 nhân vật trong bàn chơi.

Trải nghiệm:

Tôi (người đánh giá) thấy rằng 1 trong những lý do mà Love Letter có được thành công của nó là bởi nó quá dễ để tiếp cận. Luật chơi cực kỳ đơn giản và dường như có thể hiểu được bởi gần như bất cứ thành phần nào (dù có mê chơi game hay không). Coup thì không như vậy, điều mà tôi nhận ra khi đã chơi qua nhiều lần đó là các bạn sẽ cần tìm một nhóm người chơi thích hợp cho Coup. Nếu trong bàn chơi là những người ít nói và hướng nội thì Coup không thực sự là game thích hợp.

Phần lớn sự vui vẻ của Coup đem lại cho tôi đến từ việc giao tiếp giữa những người chơi. Bạn sẽ muốn 1 nhóm bạn gồm những người hay chém gió, hay bẩn bựa và sẵn sàng thách thức và ngáng đường nhau. Nếu bạn có 1 nhóm mà chỉ ngồi lấy xu qua lượt thì game dễ dàng trở nên nhàm chán. Chỉ với những người chơi phù hợp, Coup mới có thể đem lại những tràng cười sảng khoái. Hãy tụ họp những người hứng thú với việc “suy bụng ta ra bụng người” và luôn miệng sỉ nhau để nhận ra rằng Coup thật tuyệt vời.

Đào sâu hơn vào cơ chế luật chơi, nhìn chung mà nói thì những năng lực nhân vật hòa quyện rất tốt với nhau và kích thích sự giao tiếp trong quá trình chơi. Tôi thấy người thiết kế game đã làm rất tốt trong khâu tạo dựng để bản thân mỗi nhân vật đều hữu dụng 1 cách nói riêng và cho cả trò chơi nói chung. Người chơi đôi khi có thể cảm thấy 1 vài nhân vật mạnh mẽ hơn hẳn nhưng khi đã quen với cách chơi họ sẽ nhận ra rằng tất cả đều có sức mạnh riêng.

Tuy vậy, bởi vì bản chất của 1 game nhanh-nhỏ-gọn mà Coup vẫn có các khuyết điểm thường gặp của dòng game. Có thể bạn sẽ chơi nó vài lần nhưng sau đó vẫn sẽ để nó trở lại trên kệ để chơi 1 thứ khác. Đối với những fan “cứng cựa” nhất của dòng game suy đoán – lường gạt, trò chơi không đem lại đủ sức hấp dẫn để kéo chân họ. Tôi cho rằng mình vô cùng yêu thích chơi Coup ở khoảng thời gian đầu nhưng cũng dần cảm thấy một chút chán với nó. Đúng là 5 nhân vật trong game rất ăn khớp với nhau nhưng suy đi ngẫm lại thì vẫn chỉ là 5 nhân vật thế nên bạn sẽ thấy vẫn nhiêu đó tình huống lặp đi và lặp lại. Chi tiết này dễ dàng khiến Coup mất đi tố chất sau nhiều lần chơi.

Nói đi cũng phải nói lại, Coup rất dễ học để có thể chỉ cho người chơi mới. Luật chơi rõ ràng và các hành động đều xuất phát từ lý trí. Mặc khác, tôi phải thừa nhận rằng cũng cần để người mới trải qua vài ván để họ có thể quen với bản chất của trò chơi. Phần lớn người mới chỉ lấy xu, chơi nói thật cho an toàn và chỉ dựa vào những gì sẵn có để thắng. Những game đầu tiên nói chung là không được hứng thú so với cuộc chơi giữa những người chơi kinh nghiệm. Nên nhớ rằng Coup chỉ tỏa sáng khi bạn chơi với tâm trạng thoải mái trong việc bịa đặt, gán ghép và với những người chơi khá là “ức chế”.

Một điều cuối cùng mà tôi phải đề cập nếu như bạn là tuýp người thích sự hoàn chỉnh thì bạn không nên tìm đến Coup. Công ty sản xuất dường như đã dành hết nội lực cho phiên bản Kickstarter nên Coup bản bán lẻ khá là lép vế. Chúng ta dễ nhận ra rằng bản Kickstarter có chất lượng cấu kiện hơn hẳn, số lượng bài gấp đôi và thậm chí còn có nhân vật thứ 6. Để có thể lấy được đầy đủ thành phần cho Coup có lẽ bạn phải thông qua việc mua bán hàng đã qua tay. Chưa kể tới việc Indie Board and Cards còn đôi khi bắt bạn phải góp vốn cho những game chả liên quan gì đến Coup của họ để lấy card nhân vật. Khỏi phải nói đây chính là yếu tố mà tôi chả ưa thích gì – coi như là bạn đã bị cảnh báo.


Chốt:

Về mọi mặt thì Coup là 1 game có thể dễ dàng dành thiện cảm của những người chơi năng động. Đối với những ai mà muốn cúi gằm mặt vắt óc suy tính trước 3 hiệp thì Coup quả thật không dành cho bạn. Nhưng nếu bạn yêu thích 1 trò chơi với 1 chút suy đoán, “gài hàng” hay đơn giản chỉ là game xoáy mạnh về giao tiếp giữa người chơi với nhau thì Coup có thừa chuyện đó. Suy nghĩ đầu tiên mà tôi thấy đó là fan của poker chắc hẳn phải thích Coup lắm.

Cho dù bạn có băn khoăn liệu có game có đáng hay không thì tin mừng là nó chỉ có giá tầm $12. Ở tầm giá này, việc mua về để thử rất dễ dàng, chỉ tiếc bạn sẽ không có được những gì mà phe góp vốn Kickstarter có được thôi.

Đối với bản thân tôi mà nói thì có lẽ Coup gần đây hóng bụi trên kệ hơi bị thường xuyên. Lâu lâu chơi lại nó cũng vui nhưng tôi thấy việc chơi nhiều khiến game trở nên hơi nhạt nhẽo. Có 1 lưu ý là sẽ có 1 bản mở rộng sẽ ra mắt trong tương lai gần hi vọng sẽ giải quyết vấn đề đó nhưng hiện giờ thì có lẽ tôi sẽ quay lại chơi Love Letter. Nói vậy thôi nhưng nếu có bạn bè phù hợp để chơi thì tôi vẫn sẽ không ngại tiếp tục chơi Coup.

Điểm số cuối cùng: 3/5 sao

Mạnh:

+ Game chơi nhanh và dễ học.

+ Dễ tiếp cận với nhóm người chơi hướng ngoại.

+ Cấu kiện tốt.

+ Dễ mang theo bên người.

Yếu:

+ Ít biến thể khiến vòng đời của game ngắn.

+ Có cảm giác như bị nhà phát triển “thông” vì không còn có thể mua được phiên bản Kickstarter.

+ Cần người chơi phù hợp.

Bạn cảm thấy hứng thú chứ? Hãy ấn vào đây và đặt mua game ngay nào!

Xem thêm luật game tại: Luật game Coup

[ Thế giới Board Game ]


Để lại bình luận

Lưu ý: Các bình luận chỉ hiển thị khi đã duyệt

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên